Lịch sử phát triển - RF Lens World - Canon Vietnam

    Không bao giờ chùn bước trước khó khăn – Quá trình phát triển ống kính Canon

    Canon có lịch sử lâu đời trong việc chế tạo ống kính; các sản phẩm của hãng đã trải qua giai đoạn phát triển từ những ống kính quang trắc sơ khai đến ống kính Dòng R, Dòng FL, Dòng FD, Dòng EF và hiện nay là Dòng RF. Ở mỗi bước tiến trong hành trình này, Canon đều chú trọng phát triển tính năng để mở rộng khả năng nhiếp ảnh. Những mẫu ống kính phi cầu, fluorite, USM, IS và DO, cùng nhiều công nghệ mới khác được Canon phát triển, tung ra thị trường và nhờ đó duy trì được vị thế là đơn vị dẫn đầu thế giới về phát triển ống kính. Dưới đây là một số mẫu ống kính Canon đã tạo nên dấu ấn trong lịch sử phát triển ống kính của hãng.

    Serenar 50mm f/3.5 I

    Canon bắt đầu sản xuất ống kính vào cuối những năm 1940. Ống kính đầu tiên được Canon giới thiệu đến công chúng là Serenar 50mm f/3.5, một sản phẩm do Canon tự mình phát triển và chế tạo mà không phụ thuộc vào bên thứ ba. Cái tên “Serenar” có nghĩa là “sắc nét”, nhằm phản ánh độ rõ nét mà đội ngũ phát triển muốn hướng tới.

    Serenar 50mm f/1.8 I

    Serenar 50mm f/1.8 I ra đời sau năm năm Canon bước vào lĩnh vực sản xuất ống kính và về sau thường được gọi là ống kính cổ điển. Canon dựa trên cấu trúc cơ bản của ống kính kiểu Gauss (một trong những loại ống kính chính) rồi cải tiến thêm để cho hiệu suất hình ảnh cực kỳ rõ nét ngay cả khi khẩu độ mở ở mức tối đa. Cộng đồng thiết kế ống kính trên toàn thế giới đã hết sức ấn tượng với kết quả này và ống kính Canon đã nhanh chóng nổi tiếng là ống kính có chất lượng đẳng cấp thế giới.

    Serenar 100mm f/3.5 I

    Ống kính tiêu cự dài đầu tiên của Canon là ống kính 100mm f/4 Triotar và có cấu tạo gồm ba chi tiết kính trong ba nhóm. Thành công thương mại bước đầu thực sự đến sau khi Canon cho ra đời mẫu ống kính kiểu tele 100mm f/3.5, một kiểu ống kính tele tầm trung, gọn, nhẹ, có năm chi tiết kính trong bốn nhóm. Những ống kính đầu tiêu kiểu này chỉ dài 69,5mm, có đường kính tối đa 44mm và chỉ nặng 205g (7,2 oz). Model II thậm chí còn nhẹ hơn, chỉ 184g (6,5 oz.) và nhanh chóng trở thành một sản phẩm được ưa chuộng trong giới nhiếp ảnh.

    Canon 50mm f/0.95

    Vào năm 1961, Canon cho ra mắt ống kính 50mm f/0.95, có khẩu độ lớn nhất trong số các ống kính máy ảnh tại thời điểm đó. Ống kính huyền thoại này đã củng cố thêm vị thế của Canon trên trường quốc tế. Canon 50mm f/0.95 đã tạo dựng được danh tiếng nhờ khả năng tạo ra hình ảnh sáng hơn cả khả năng quan sát của mắt người.

    FL19mm f/3.5

    Khi mới ra mắt, ống kính góc siêu rộng 19mm này có góc nhìn rộng nhất trong số các ống kính dành cho máy ảnh phản xạ ống kính đơn (SLR). Cấu trúc đối xứng của hệ thống quang học, cùng các chi tiết kính lõm ở mặt trước và mặt sau, các chi tiết kính lồi ở giữa đã giúp loại bỏ hiện tượng méo hình, quang sai màu (còn gọi là loạn thị) và sai số phóng đại màu. Thấu kính lõm giúp tạo độ sáng tốt ở viền ảnh mặc dù có góc siêu rộng. Những ống kính đời cũ sử dụng hệ thống quang học kiểu này rất khó hiệu chỉnh quang sai cầu và khó cung cấp đủ độ sáng ở viền ảnh mà vẫn duy trì kích thước nhỏ gọn. FL19mm f/3.5 đã khắc phục được hết những nhược điểm này nhờ sử dụng nhóm thấu kính lồi. Ống kính này được bán kèm theo kính ngắm đặc biệt, vì gương phải được thu vào để lắp ống kính vào thân máy ảnh. FL19mm f/3.5 thường được dùng để chụp ảnh chân dung với hiệu ứng hơi siêu thực.

    FL-F300mm f/5.6

    Canon là một trong những nhà sản xuất đầu tiên nghiên cứu cách sử dụng fluorite (vốn sở hữu những đặc điểm mà kính quang học không thể sánh kịp) làm vật liệu chế tạo ống kính máy ảnh. Nhưng đáng tiếc, fluorite trong tự nhiên rất hiếm khi tạo thành các tinh thể lớn và thường chứa tạp chất nên không phù hợp để sử dụng trong ống kính máy ảnh. Canon đã phát triển thành công các kỹ thuật để loại bỏ tạp chất và nuôi cấy tinh thể fluorite bằng phương pháp nhân tạo. FL-F300mm f/5.6 là ống kính đầu tiên của Canon sử dụng fluorite. Việc sử dụng fluorite không chỉ có tác dụng loại bỏ quang sai màu mà còn giúp Canon thiết kế được những ống kính ngắn hơn. Ống kính 300mm này là một trong những ống kính siêu tele nhỏ gọn và tiên tiến nhất thời bấy giờ. Kể từ đó, các chi tiết kính fluorite đã được sử dụng trong nhiều ống kính EF khác cũng như nhiều ống kính trong Dòng ống kính L siêu tele hiệu suất cao.

    * Ống kính rời dành cho những loại máy ảnh phổ thông.

    FD55mm f/1.2 AL

    Năm 1971 chứng kiến sự ra đời của F-1, dòng máy ảnh SLR đầu tiên được Canon thiết kế với các thông số kỹ thuật dành cho giới chuyên nghiệp. Ra đời cùng F-1, ống kính Dòng FD được đánh giá cao về hiệu suất quang học, bao gồm độ tương phản cao, độ sắc nét và khả năng cân bằng màu vượt trội, cũng như hiệu suất cơ học tuyệt vời và dễ thao tác. FD55mm f/1.2 AL là ống kính phi cầu đầu tiên dành cho máy ảnh SLR có chức năng điều khiển khẩu độ tự động. Các tia sáng đi vào rìa thấu kính hình cầu bị khúc xạ theo cách khác so với các tia đi qua tâm. Khi sử dụng ống kính có khẩu độ lớn, điểm hội tụ của các tia sáng này có thể bị lệch, gây ra tình trạng quang sai cầu và làm tăng nguy cơ xảy ra hiện tượng lóa ống kính. Ống kính phi cầu khắc phục được nhược điểm này, ngăn chặn hiện tượng lóa ống kính dù mở khẩu độ tối đa, trong khi vẫn mang lại hình ảnh có độ tương phản cao. Canon đã phải tự thiết kế ra các công cụ và máy móc riêng để sản xuất những ống kính này – một minh chứng nữa cho thấy Canon luôn có cách tiếp cận toàn diện trong quá trình phát triển để biến những tiến bộ công nghệ mới thành những sản phẩm mới độc đáo.

    TS35mm f/2.8 SSC

    TS35mm f/2.8 SSC là ống kính đầu tiên có chức năng xoay nghiêng và chuyển dịch dành cho máy ảnh 35mm, cũng vì thế mà TS35mm f/2.8 SSC trở thành ống kính lý tưởng trong nhiếp ảnh kiến trúc và thương mại vốn từng là địa hạt thống trị của máy ảnh khổ lớn. Ống kính này được coi là bàn đạp để Canon cho ra đời ống kính TS-E Dòng EF.

    * Tức là máy ảnh 35mm.

    FD35-70mm f/2.8-3.5 SSC

    Được thiết kế theo kiểu hai nhóm thấu kính đơn giản nhưng độc đáo, FD35-70mm f/2.8-3.5 SSC thực sự đã tạo ra bước đột phá mới cho các ống kính zoom ngắn. Ống kính này được trang bị cấu trúc ống zoom rất chính xác, khi zoom, cả nhóm thấu kính trước và sau đều di chuyển cùng lúc theo cách phi tuyến tính – các nhóm thấu kính trước và sau sẽ di chuyển xa nhau khi ở góc rộng và hội tụ lại gần nhau khi ở dải tiêu cự tele – mà vẫn giữ nguyên chiều dài ống. Khẩu độ được thiết kế để di chuyển cùng với nhóm thấu kính sau, trong khi đường kính khẩu độ thay đổi theo nấc zoom. Ống kính thực sự tiên tiến này thậm chí còn có chế độ chụp cận cảnh. Vào thời điểm đó, ống kính zoom hiếm khi được các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sử dụng vì hiệu suất quang học của chúng kém hơn đáng kể so với ống kính một tiêu cự. Tuy nhiên, sau khi được ghi nhận là có hiệu suất vượt trội, ống kính này đã trở thành một thiết bị tiêu chuẩn thường được giới chuyên nghiệp sử dụng.

    FD400mm f/4.5 SSC

    Vào những năm 1970, hầu hết các ống kính tele thông thường đều có cấu trúc cơ học rất cồng kềnh vì người dùng phải điều chỉnh chiều dài của toàn bộ thân ống kính mới có thể lấy nét. Tuy nhiên, ống kính FD400mm f/4.5 SSC được thiết kế theo kiểu lấy nét phía sau, trong đó người dùng chỉ cần dịch chuyển một phần ống kính để điều chỉnh tiêu cự, thao tác vì thế mượt mà hơn nhiều. Ống kính này cũng có hệ thống bước tiêu cự biến thiên, cho phép lấy nét từ từ khi quay/chụp các chủ thể ở xa và lấy nét nhanh khi quay/chụp các chủ thể ở gần, giống như cách hoạt động của mắt người. Canon đã áp dụng thiết kế lấy nét phía sau gọn nhẹ này trong nhiều ống kính và dựa vào đó để phát triển hệ thống lấy nét tự động tốc độ cao được sử dụng trong ống kính Canon EF.

    FD14mm f/2.8L mới

    Đây là ống kính góc rộng nhất trong dòng ống kính FD, sử dụng các chi tiết kính phi cầu để loại bỏ hiện tượng méo hình. Canon đã phải tự lập trình một phần mềm máy tính riêng để thiết kế thấu kính phi cầu – một minh chứng điển hình cho thấy cách Canon tập trung hoàn thiện các công nghệ cơ bản và ngoại vi để tạo ra những tiến bộ công nghệ tiên tiến.

    EF50mm f/1.0L USM

    Ống kính tiêu chuẩn này đã gây ấn tượng mạnh khi ra mắt vì có khẩu độ lớn nhất trong số các ống kính dành cho máy ảnh SLR 35mm. Với hai chi tiết kính phi cầu được mài và đánh bóng cùng bốn chi tiết kính thủy tinh khúc xạ chiết suất cao, EF50mm f/1.0L USM mang lại hiệu suất hình ảnh vượt trội với độ tương phản cao và gần như không có hiện tượng lóa, ngay cả ở khẩu độ tối đa f/1.0. Cơ chế nổi này giúp duy trì chất lượng hình ảnh cao ngay cả ở khoảng cách lấy nét gần, trong khi chức năng lấy nét thủ công điện tử cho phép lấy nét thủ công bất cứ khi nào chỉ bằng một cú chạm rất nhẹ, ngay cả khi đang ở chế độ lấy nét tự động. Đặc điểm này giúp tăng tốc độ lấy nét tự động vốn đã nhanh nhờ Động cơ siêu âm (USM) kiểu vòng.

    * Dữ liệu vào năm 1989.

    EF35-350mm f/3.5-5.6L USM

    Đây là ống kính zoom đầu tiên dành cho máy ảnh SLR có tỷ lệ zoom tối đa là 10x. Ống kính này hoạt động hiệu quả và ổn định ở mọi khoảng cách từ góc rộng đến siêu tele, ngay cả trong những bối cảnh đòi hỏi phải di chuyển nhiều, chẳng hạn như khi chụp ảnh thể thao. Ống kính này có cấu tạo gồm sáu nhóm thấu kính, năm trong số đó có thể di chuyển, giúp ống kính vừa có tỷ lệ zoom tốt vừa sở hữu kích thước nhỏ gọn. EF35-350mm f/3.5-5.6L USM sử dụng hai thấu kính tán xạ cực thấp (UD) để hiệu chỉnh quang sai màu, do đó tạo ra hình ảnh có độ phân giải cao và độ tương phản vượt trội. Ống kính này cũng nổi tiếng vì có những tính năng như vòng đai chân máy xoay trơn tru, vòng chuyên dụng để điều chỉnh ma sát khi zoom, lấy nét thủ công bất cứ khi nào và nhiều tính năng tiện lợi khác.

    * Dành cho máy ảnh SLR có ống kính rời.

    EF75-300mm f/4-5.6 IS USM

    Đây là ống kính tele rời đầu tiên dành cho máy ảnh SLR được trang bị chức năng chống rung (IS). Ống kính tiên tiến này tích hợp một cặp cảm biến con quay hồi chuyển có chức năng phát hiện chuyển động của máy ảnh, rồi di chuyển nhóm thấu kính thứ hai theo hướng ngược lại để loại bỏ bất kỳ chuyển động nào có thể làm mờ hình ảnh. Cơ chế IS này có hiệu quả tương đương như khi tăng tốc độ màn trập thêm hai điểm dừng.*2 Ống kính sử dụng USM siêu nhỏ để điều khiển chức năng lấy nét tự động, nhờ đó giúp giảm tiếng ồn của động cơ.

    * Dành cho máy ảnh SLR 35mm có ống kính rời.
    *2 Ngưỡng tốc độ màn trập khi người dùng cầm tay chụp (mà không có cơ chế chống rung) có thể được tính bằng giây theo công thức [1/tiêu cự ống kính].

    EF300mm f/4L IS USM

    Ống kính tele này là ống kính đầu tiên của Canon dành cho giới chuyên nghiệp được trang bị cơ chế chống rung (IS), cho phép người dùng cầm tay chụp trong những bối cảnh mà trước đây phải sử dụng chân máy. Cơ chế chống rung có hiệu quả chống rung tương đương như khi tăng tốc độ màn trập thêm khoảng hai điểm dừng.* Ống kính này có hai chế độ: chế độ 1 chuyên dùng để chụp chủ thể tĩnh và chế độ 2 phù hợp để chụp ảnh lia máy. Hai ống kính Tán xạ cực thấp (UD) trong hệ thống quang học giúp giảm thiểu quang sai màu, đồng thời cho ra ảnh có độ rõ nét và độ tương phản cao trên toàn bộ khung hình. Bằng cách chứng minh rằng cơ chế chống rung là một tính năng rất hữu ích cho cả những nhiếp ảnh gia kỳ cựu, EF300mm f/4L IS USM đã thuyết phục được nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp tin tưởng và lựa chọn sử dụng các ống kính Canon có cơ chế IS này.

    * Ngưỡng tốc độ màn trập khi người dùng cầm tay chụp (mà không có cơ chế chống rung) có thể được tính bằng giây theo công thức [1/tiêu cự ống kính].

    EF400mm f/4 DO IS USM

    EF400mm f/4 DO IS USM là ống kính siêu tele lần đầu tích hợp công nghệ “ống kính DO” do Canon phát minh vào hệ thống quang học. “Ống kính DO” sử dụng các chi tiết quang học nhiễu xạ (DO) nhiều lớp để giảm kích thước trong khi vẫn duy trì chất lượng cao cho hình ảnh. So với các ống kính có cùng thông số thiết kế nhưng chỉ có chi tiết quang học khúc xạ, ống kính DO ngắn hơn 27% và nhẹ hơn 31%. Ống kính này được trang bị cơ chế chống rung (IS), giúp khắc phục hiện tượng nhòe khi người dùng cầm tay chụp, với hiệu quả tương đương như khi tăng tốc độ màn trập thêm hai điểm dừng*2. Cũng có cấu trúc chống bụi, chống ẩm và chức năng dừng AF, EF400mm f/4 DO IS USM có thể mang đến hiệu suất gần như tương đương dòng ống kính IS kiểu L siêu tele.

    * Tức là ống kính rời dành cho máy ảnh SLR 35mm.
    *2 Ngưỡng tốc độ màn trập khi người dùng cầm tay chụp (mà không có cơ chế chống rung) có thể được tính bằng giây theo công thức [1/tiêu cự ống kính].

    EF24mm f/1.4L II USM

    Ống kính góc rộng 24mm đường kính lớn này là ống kính đầu tiên* sử dụng công nghệ Lớp phủ cấu trúc bước sóng thấp (SWC) mang tính cách mạng để chống phản xạ. SWC tạo ra những cấu trúc gồ ghề có kích thước chỉ ở mức nanomet trên bề mặt ống kính – nhỏ hơn bước sóng của ánh sáng nhìn thấy – để giảm thiểu hiệu quả hiện tượng lóa ống kính và bóng mờ do ánh sáng chiếu vào ống kính ở góc nhọn. Lớp phủ tạo thành từ công nghệ lắng đọng hơi trước đây thường không khắc phục được vấn đề này, nhưng SWC là công nghệ mới sử dụng các cấu trúc gồ ghề cực nhỏ trên bề mặt ống kính nên có thể ngăn chặn hiện tượng phản xạ. EF24mm f/1.4L II USM cũng có hai chi tiết kính phi cầu đúc bằng thủy tinh có độ chính xác cao và hai chi tiết kính UD để khắc phục hiệu quả nhiều kiểu quang sai khác nhau. Cơ chế nổi này giúp tạo ra hình ảnh chất lượng, có độ phân giải cao và độ tương phản cao trên toàn khung hình, ngay cả ở góc ảnh. SWC là công nghệ then chốt cho phép Canon thoải mái hơn khi thiết kế cơ cấu quang học, đồng thời thúc đẩy Canon có những bước tiến mới trong quá trình phát triển ống kính.

    *Trong số các ống kính dùng trong nhiếp ảnh

    EF100mm f/2.8L Macro IS USM

    Ống kính tele tầm trung lấy nét cận cảnh này có hệ thống Chống rung (IS) lai của Canon – bộ chống rung quang học đầu tiên trên thế giới* có khả năng khắc phục cả hai loại rung lắc, gồm rung lắc góc và rung lắc chuyển dịch. Tính năng khắc phục rung lắc góc rất hữu ích trong hầu hết các bối cảnh chụp, trong khi tính năng khắc phục rung lắc chuyển dịch chủ yếu hữu ích khi chụp ảnh cận cảnh. Ngoài con quay hồi chuyển điều chỉnh rung (cảm biến vận tốc góc) có trong các hệ thống IS quang học trước đây, công nghệ IS lai còn tích hợp một cảm biến gia tốc để phát hiện chuyển động của máy ảnh theo phương song song với mặt phẳng tiêu cự. Canon sử dụng một thuật toán mới để tính toán độ rung lắc máy ảnh dựa trên chỉ số đo lấy đồng thời từ hai cảm biến và điều chỉnh các chi tiết kính để điều tiết máy ảnh khi bị rung lắc góc và rung lắc chuyển dịch. Cách tiếp cận hai chiều này giúp giảm thiểu rung lắc máy ảnh, từ đó cải thiện đáng kể khả năng chụp khi cầm tay, đặc biệt là khi chụp cận cảnh. EF100mm f/2.8L Macro IS USM có chi tiết kính UD để hiệu chỉnh quang sai màu. Hình ảnh thu được có chất lượng tuyệt hảo, độ bền máy vượt trội và cơ chế dễ thao tác là những điều mà các nhiếp ảnh gia mong đợi từ ống kính dòng L.

    * Tức là ống kính rời dành cho máy ảnh SLR.

    EF70-300mm f/4-5.6L IS USM

    Ống kính zoom tele này là ống kính EF đầu tiên có lớp phủ flo, giúp đẩy lùi bụi hoặc vết bẩn ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh và giúp giảm tần suất vệ sinh ống kính. Lớp phủ tạo thành một bề mặt phẳng, mịn có tác dụng đẩy lùi chất lỏng (kể cả dầu), ngăn bụi bám vào ống kính và giúp việc vệ sinh dễ dàng hơn nhiều – thường chỉ cần dùng chổi thổi bụi là làm sạch được vết bẩn. Ngay cả dấu vân tay và vết bẩn cứng đầu cũng thường có thể được lau sạch bằng khăn khô mềm mà không cần đến dung dịch tẩy rửa đặc biệt. Lớp phủ flo này cho phép các nhiếp ảnh gia chụp được những bức ảnh rõ nét hơn và tiết kiệm thời gian bảo dưỡng máy ảnh.

    EF8-15mm f/4LFisheye USM

    Đây là ống kính zoom mắt cá đầu tiên trên thế giới có thể bao quát góc nhìn 180°, theo chiều ngang hoặc chiều dọc. Người dùng có thể chụp ảnh mắt cá tròn với góc nhìn 180° theo mọi hướng bằng máy ảnh D-SLR full-frame 35mm ở tiêu cự 8mm. Góc nhìn như vậy cho phép ghi lại hiệu quả mọi vật thể ở phía trước ống kính. Ngoài ra, ống kính EF8-15mm f/4LFisheye USM còn cho phép chụp ảnh mắt cá có góc nhìn chéo 180° bất kể cảm biến hình ảnh có kích thước bao nhiêu. Khi sử dụng máy ảnh có kích thước cảm biến không phải 35mm, hãy nhìn vào vạch chiết xuất ở bên cạnh vòng zoom để biết cách cài đặt sao cho thu được ảnh mắt cá có góc nhìn chéo 180°. Ống kính này cũng có cữ chặn zoom. Nhiếp ảnh gia có thể lấy nét ở khoảng cách gần tới 0,15m (6 inch) và tận dụng lợi thế của góc nhìn méo để tạo ra hiệu ứng độc đáo cho ảnh cận cảnh.

    * Tức là ống kính rời dành cho máy ảnh SLR.

    EF24mm f/2.8 IS USM
    EF28mm f/2.8 IS USM

    Tốc độ màn trập chậm nhất để ảnh không bị mờ do rung lắc máy khi người dùng cầm tay chụp được coi là (1/tiêu cự) giây. Tuy nhiên, trong cùng điều kiện chụp, tình trạng rung lắc máy ít có khả năng xảy ra hơn khi góc nhìn của ống kính tăng lên. Những cải tiến về độ phân giải hình ảnh của công nghệ EOS DIGITAL cho phép người dùng kiểm tra hình ảnh trên màn hình máy tính ở độ phân giải của ảnh gốc, nhưng đồng thời người dùng cũng dễ nhận thấy hiệu ứng rung lắc nhẹ mà trước đây không nhìn thấy trong ảnh phim.

    Để giải quyết nhược điểm này, Canon đã sản xuất ống kính một tiêu cự góc rộng đầu tiên trên thế giới* tích hợp cơ chế chống rung (IS). Nhờ cơ chế này, ống kính EF28mm f/2.8 IS USM cho phép người dùng có thể tự do biểu đạt phong cách khi cầm tay chụp ở tốc độ màn trập chậm.

    * Tức là ống kính rời dành cho máy ảnh SLR.

    EF-S18-135mm f/3.5-5.6 IS STM
    EF40mm f/2.8 STM

    Đây là những ống kính rời dành cho SLR đầu tiên sử dụng động cơ bước (STM) để điều khiển hệ thống lấy nét tự động; hoạt động AF vì thế mượt mà và yên tĩnh ngay cả khi quay phim hoặc chụp ảnh ở chế độ Live View. EF-S18-135mm f/3.5-5.6 IS STM hoạt động cực kỳ yên tĩnh và bám sát chuyển động rất tốt trong chế độ Movie Servo AF nhờ vào cơ chế điều khiển AF kiểu đinh ốc cái. EF 40mm f/2.8 STM có cơ chế điều khiển AF kiểu bánh răng chuyên dùng cho những loại ống kính nhỏ gọn. Trong trường hợp này, ống kính kiểu bánh kếp này chỉ dày 22,8mm và dễ sử dụng. Bằng cách chế tạo các bộ truyền động mới cho cơ chế lấy nét, Canon đã cho ra đời nhiều loại ống kính EF hơn. Ống kính Canon hoàn toàn đáp ứng được các tính năng ngày càng tăng của dòng máy EOS DIGITAL, đồng thời cho phép các nhiếp ảnh gia tự do hơn trong việc biểu đạt phong cách.

    * Tức là ống kính rời dành cho máy ảnh SLR

    EF200-400mm f/4L IS USM có bộ mở rộng tiêu cự 1,4x

    Ống kính zoom siêu tele mang tính bước ngoặt này tích hợp bộ mở rộng tiêu cự 1,4x, cho phép người dùng thay đổi dải tiêu cự từ 200–400mm thành 280–560mm chỉ bằng một thao tác nhanh chóng, đơn giản. Công nghệ này mang đến nhiều khả năng mới trong nhiếp ảnh – ví dụ, nhiếp ảnh gia có thể chuyển đổi nhanh từ tiêu cự 400mm sang 560mm khi vẫn đang nhìn qua kính ngắm và chụp ảnh. Thiết kế quang học rất độc đáo, kết hợp một thấu kính fluorite và bốn thấu kính Tán xạ cực thấp (UD) để có thể chụp được những bức ảnh sắc nét và rõ ràng như những bức chụp bằng ống kính siêu tele một tiêu cự. Các tính năng này của ống kính vẫn hoạt động nhất quán trên toàn dải zoom, ngay cả khi sử dụng bộ mở rộng tiêu cự. Ống kính có cấu tạo gồm 33 chi tiết trong 24 nhóm – nằm trong số những ống kính có nhiều chi tiết nhất thuộc dòng ống kính EF – nhưng lại có kích thước nhỏ gọn bất ngờ, vận hành trơn tru và rất bền, nhờ sử dụng thiết kế cơ học tiên tiến, vật liệu cao cấp và công nghệ sản xuất tiên tiến.

    Khi sử dụng kết hợp với bộ mở rộng tiêu cự EF1,4x III đi kèm (và bộ mở rộng tiêu cự tích hợp), tiêu cự tối đa có thể tăng lên 780mm. Tiêu cự này cho phép ống kính mở khẩu độ tối đa tới f/8, người dùng vì thế có thể sử dụng chế độ AF với các máy ảnh như EOS-1D X. Việc lắp bộ mở rộng tiêu cự EF 2x III thay vì EF 1,4x III biến ống kính này thành ống kính zoom siêu tele với tiêu cự tối đa là 1,120mm. Với tất cả các tính năng kể trên, ống kính zoom hiệu suất cao này cho phép người dùng tiếp cận những khía cạnh chụp ảnh tele mới.

    * Tức là ống kính rời dành cho máy ảnh SLR

    EF100-400mm f/4.5-5.6L IS II USM

    Đây là ống kính đầu tiên có Lớp phủ cầu khí (ASC), một lớp phủ được tạo thành từ công nghệ phủ kiểu lắng đọng hơi gồm thành phần silicon đioxit và không khí có chiết suất cực thấp. Lớp phủ này có đặc tính chống phản xạ tuyệt vời và đặc biệt hiệu quả trong việc chặn ánh sáng tới chiếu vào ống kính theo góc gần như vuông góc với nó. Nhờ đó, hiện tượng lóa ống kính và bóng mờ giảm đi đáng kể. Các chi tiết kính Fluorite và Tán xạ cực thấp (UD) mang lại cho ống kính khả năng kết xuất hình ảnh vượt trội. Tính năng chống rung (IS) có hiệu quả giảm nhòe do rung máy tương đương như khi tăng tốc độ màn trập khoảng bốn bước để hỗ trợ chụp ảnh tele khi người dùng cầm tay chụp. Ống kính đa năng, hiệu suất cao này có nhiều tính năng cho phép người dùng tự do biểu đạt phong cách, bao gồm khoảng cách lấy nét tối thiểu là 0,98m và tính năng điều chỉnh zoom cho phép người dùng điều chỉnh từng chút một để có được bố cục hoàn hảo.

    EF11-24mm f/4L USM

    Ống kính zoom góc siêu rộng full-frame này có tiêu cự tối thiểu là 11mm. Dòng ống kính này kết hợp bốn thấu kính phi cầu, bao gồm cả thấu kính phi cầu mài có đường kính lớn nhất thế giới (87mm). Canon đã sử dụng công nghệ độc quyền của mình để giảm thiểu hiện tượng méo hình thường xảy ra khi dùng các ống kính góc rộng, hình ảnh vì thế duy trì được chất lượng cao mà người dùng kỳ vọng từ dòng sản phẩm “L”. Không chỉ tích hợp thấu kính phi cầu mài, thấu kính UD và thấu kính siêu UD để hiệu chỉnh quang sai màu, EF11-24mm f/4L USM còn sử dụng Lớp phủ cấu trúc bước sóng thấp (SWC) chống phản xạ và Lớp phủ cầu khí (ASC) để giảm hiện tượng bóng mờ và lóa ống kính.

    * Tức là các chi tiết của ống kính rời dành cho máy ảnh SLR và máy ảnh không gương lật, không bao gồm ống kính mắt cá.

    EF35mm f/1.4L II USM

    Đây là ống kính đầu tiên tích hợp thấu kính Khúc xạ quang học phổ xanh lam (BR) độc quyền của Canon, một giải pháp lý tưởng được Canon phát triển để hiệu chỉnh quang sai màu. Cơ chế quang học BR hỗ trợ hiệu chỉnh quang sai màu (một hiện tượng thường xảy ra ở các ống kính khẩu độ lớn) bằng cách tận dụng các đặc điểm tán xạ dị thường bất tương đồng để khúc xạ các bước sóng xanh lam (bước sóng ngắn hơn) một cách sắc nét hơn. Ngoài chi tiết kính BR, EF35mm f/1.4L II USM còn tích hợp thấu kính phi cầu và thấu kính UD được đánh bóng để đảm bảo hiệu suất kết xuất hình ảnh vượt trội từ chính giữa ảnh đến viền ảnh, ngay cả khi chụp ở khẩu độ tối đa. Khẩu độ rộng f/1.4 giúp người dùng có thể cầm tay chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng hoặc tạo hiệu ứng mất nét hấp dẫn, đồng thời đảm bảo hình ảnh trên kính ngắm vẫn luôn sáng và rõ nét.

    RF28-70mm F2 L USM

    RF28-70mm F2 L USM là ống kính đầu tiên có khẩu độ tối đa f/2 trên toàn dải tiêu cự từ 28mm đến 70mm. Canon tận dụng đường kính lớn và tiêu cự sau ngắn của ngàm RF để thiết kế cho ống kính này một hệ thống quang học có thể mang lại hiệu suất hình ảnh vượt trội và dễ thao tác. Bốn chi tiết phi cầu và một chi tiết siêu UD được sắp xếp một cách hiệu quả để mang lại cho ống kính này độ phân giải cao và độ tương phản cao từ chính giữa ảnh đến viền ảnh. Mặc dù là ống kính zoom, nhưng hiệu suất hình ảnh của RF28-70mm F2 L USM gần bằng hiệu suất của ống kính một tiêu cự. Ống kính này phù hợp để chụp chân dung, phong cảnh và nhờ khẩu độ tối đa f/2 (sáng), ống kính này thậm chí còn chụp được cả ảnh cưới và ảnh thiên văn. RF28-70mm F2 L USM là ống kính zoom có thể thay thế nhiều loại ống kính một tiêu cự. Đây được coi là một bước tiến nữa trong nỗ lực của Canon khi tận dụng khả năng độc đáo của ngàm RF để cho phép các nhiếp ảnh gia tự do hơn trong việc biểu đạt phong cách.

    * Tức là ống kính zoom rời tiêu chuẩn lấy nét tự động dành cho máy ảnh kỹ thuật số full-frame 35mm.

    EF400mm f/2.8L IS III USM
    EF600mm f/4L IS III USM

    Ống kính siêu tele khẩu độ lớn đầu tiên của Canon áp dụng công nghệ phủ chắn nhiệt. Cả hai ống kính này đều thiết lập nên các tiêu chuẩn mới về trọng lượng nhẹ. EF400mm f/2.8L IS III USM nặng khoảng 2.840g và EF600mm f/4L IS III USM nặng khoảng 3.050g. Cả hai đều đã nhẹ hơn đáng kể và cho hình ảnh có chất lượng cao. EF400mm f/2.8L IS III USM và EF600mm f/4L IS III USM đều áp dụng cấu trúc thiết kế cơ bản mới, trong đó tập hợp tất cả các chi tiết kính phía sau thấu kính đầu tiên (ở trước nhất), gồm có các chi tiết fluorite, siêu UD và vật liệu thủy tinh mới. Vòng lấy nét điện tử và bộ chống rung mới cũng làm giảm trọng lượng của các bộ phận cơ học. Ống kính này cũng được áp dụng công nghệ phủ chắn nhiệt độc quyền để hạ nhiệt trong ống kính. Ống kính được thiết kế theo kiểu hạn chế dẫn nhiệt, trong đó, lớp phủ màu trắng mới có tác dụng hạ nhiệt bên trong bằng cách tăng khả năng phản xạ tia hồng ngoại dưới ánh sáng mặt trời. Những tính năng này cùng phối hợp để giúp ống kính hoạt động đáng tin cậy dù được chụp trong thời gian dài dưới ánh nắng mặt trời gay gắt.

    RF85mm f/1.2L USM DS

    Những cải tiến về chức năng quang học của ống kính thường cho ra những bức ảnh có độ sắc nét cao hơn ở những vùng trước đó bị mờ. Tuy nhiên, một số nhiếp ảnh gia muốn ảnh có hiệu ứng “bokeh” (ảnh mờ) mềm mại hơn, ngay cả khi chủ thể lấy nét có độ phân giải cao hơn. Để đáp ứng nhu cầu của nhóm người dùng này, Canon đã phát triển công nghệ lắng đọng hơi độc quyền, được gọi là công nghệ lớp phủ Làm mờ nền ảnh (DS), giúp ống kính tạo ra hiệu ứng bokeh đẹp hơn. Lớp phủ này lần đầu được sử dụng trên ống kính RF85mm f/1.2L USM DS. Lớp phủ DS đảm bảo rằng đường viền ảnh giữ được hiệu ứng bokeh mờ nhẹ, mềm mại, trong khi chủ thể lấy nét vẫn có độ phân giải cao, độ tương phản cao và hạn chế quang sai màu. Ống kính RF85mm f/1.2L USM DS chắt lọc những nguyên lý tinh túy từ công nghệ quang học của Canon để mở ra một chiều hướng mới trong phong cách chụp bokeh.

    RF100mm f/2.8 L MACRO IS USM

    RF100mm F2.8 L MACRO IS USM là phiên bản kế nhiệm của EF100mm f/2.8L Macro IS USM, phiên bản ra mắt vào năm 2009 có tính năng chống rung lai đầu tiên trên thế giới. Ống kính mới này sử dụng công nghệ mới tiên tiến để đạt được độ phóng đại ống kính tối đa chưa từng có khi chụp cận cảnh là 1,4x, với khoảng cách tiêu cự tối thiểu là 0,26m. Độ phóng đại này cao hơn độ phóng đại tối đa của ống kính chụp cận cảnh thông thường, thường là khoảng 1,0x (tương đương kích thước thực tế). Ngoài ra, RF100mm F2.8 L MACRO IS USM là ống kính đầu tiên của Canon sử dụng Vòng điều khiển quang sai cầu (SA). Công nghệ mới này của Canon cho phép điều chỉnh các đặc tính quang sai cầu, vượt ra ngoài những giới hạn của nhiếp ảnh cận cảnh.

    * Tức là ống kính AF rời dành cho máy ảnh không gương lật full-frame. Dữ liệu vào ngày 13 tháng 4 năm 2021. Theo kết quả khảo sát của Canon.

    RF135mm f/1.8 L IS USM

    Ống kính tele tầm trung chụp chân dung này có cơ chế chống rung (IS) trong ống kính – lần đầu tiên có trong ống kính một tiêu cự 135mm*1. Công nghệ chống rung được tích hợp vào thân máy ảnh và phối hợp hiệu quả với các chức năng điều khiển khác để giúp cải thiện hiệu quả chống rung tương đương với tốc độ màn trập lên tới 8,0 điểm dừng*2. Giá trị khẩu độ tối đa F1.8 cao hơn giá trị của EF135mm f/2L USM. Với đặc điểm này, RF135mm f/1.8 L IS USM không chỉ tạo được hiệu ứng bokeh phong phú hơn; mà sự kết hợp giữa tính năng hiệu chỉnh độ mờ do rung lắc máy hiệu quả và cài đặt độ rộng khẩu độ tối đa cũng đảm bảo ống kính hoạt động đáng tin cậy khi chụp ở những địa điểm tối hơn. Ống kính này giúp tạo ra những hình ảnh có chiều sâu biểu đạt và mang đến tiềm năng mới cho bất kỳ ai yêu thích chụp chân dung.

    *1 Dữ liệu vào tháng 11 năm 2022.
    *2 Khi sử dụng EOS R3, dựa trên tiêu chuẩn của Hiệp hội Sản phẩm Nhiếp ảnh và Máy ảnh (CIPA) (chỉ riêng hướng xoay/chúc góc).
    *3 Khuyến nghị bật chế độ chống rung kỹ thuật số khi quay clip video, đặc biệt là khi lia máy nhiều hoặc rung lắc máy.

    RF10-20mm f/4L IS STM

    RF10-20mm F4 L IS USM là ống kính zoom 10mm góc siêu rộng đầu tiên trên thế giới*1, thậm chí còn rộng hơn góc của EF11-24mm f/4L USM. Mặc dù tiêu cự chỉ 10mm, nhưng thấu kính phi cầu và thấu kính Tán xạ cực thấp (UD) mang lại chất lượng hình ảnh tương đương hoặc vượt trội hơn so với ống kính EF11-24mm f/4L USM. RF10-20mm F4 L IS STM cho hình ảnh rõ nét gần như không loang màu từ chính giữa đến viền ảnh. Ngoài khả năng chụp góc siêu rộng, ống kính này còn được trang bị bộ chống rung.

    Ngay cả khi có cơ chế mở rộng góc chụp và chống rung, ống kính này chỉ nặng bằng một nửa EF11-24mm f/4L USM (chỉ tính riêng ống kính). Lý do là vì đây là mẫu ống kính dòng L đầu tiên tích hợp Động cơ bước (STM) – động cơ có bộ truyền động nhỏ hơn Động cơ siêu âm (USM). Bộ truyền động nhỏ hơn cho phép Canon thoải mái hơn khi thiết kế bố cục của nhóm ống kính IS và dễ dàng đặt cơ chế IS ở phía cảm biến của ống kính. Ngoài ra, RF10-20mm F4 L IS STM là ống kính đầu tiên của Canon hoàn toàn tương thích với tính năng Kiểm soát viền ảnh*2 *3 – tính năng hiệu chỉnh hiện tượng nhòe viền ảnh đặc trưng của ống kính góc rộng.

    *1 Dữ liệu vào ngày 10 tháng 10 năm 2023, đối với ống kính zoom rời tương thích với chế độ AF (trừ ống kính mắt cá) dành cho máy ảnh kiểu SLR định dạng 35mm. Theo kết quả nghiên cứu của Canon.
    *2 Có trong những máy ảnh tương thích bán trên thị trường (EOS R5 phiên bản từ 1.9.0 trở lên, dữ liệu vào ngày 10 tháng 10 năm 2023) khi tắt chế độ chống rung kỹ thuật số lúc quay phim.

    RF200-800mm f/6.3-9 IS USM

    Ống kính zoom siêu tele đầu tiên trên thế giới* có tiêu cự tối đa là 800mm. Ống kính này rất có ích khi chụp các chủ thể như máy bay, tàu hỏa, chim hoang dã và các sự kiện thể thao từ phạm vi xa. Với tiêu cự tối thiểu là 200mm, người dùng có thể tùy ý phóng to mà không cần phải thay đổi ống kính. Ống kính này cho phép chụp nhiều ảnh liên tiếp ở chế độ phóng to khi chủ thể di chuyển ra xa hoặc từ xa tiến lại. RF200-800mm f/6.3-9 IS USM cũng tương thích với EXTENDER RF1,4x/RF2x, cho phép mở rộng dải tiêu cự. Ống kính này cũng có chế độ chụp tự động lấy nét khi lắp bộ mở rộng tiêu cự 1,4x hoặc 2x.

    * Tức là ống kính AF rời dành cho máy ảnh không gương lật, tương thích với cảm biến full-frame, theo dữ liệu vào ngày 1 tháng 11 năm 2023 (dựa trên kết quả khảo sát của Canon).

    RF24-105mm f/2.8 L IS USM Z

    Dòng 24–105mm F4 – là ống kính đơn, cho phép chụp ở toàn dải tiêu cự từ tiêu cự góc rộng đến tele tầm trung – từ lâu đã trở thành một trong những loại ống kính được ưa chuộng nhất. Trước khi ống kính này ra đời, khẩu độ tối đa của loại 24–105mm là f/4, nhưng RF24-105mm F2.8 L IS USM Z là ống kính đầu tiên* có khẩu độ tối đa cố định là f/2.8. Theo đó, người dùng có thể chụp với khẩu độ f/2.8 ngay cả ở tiêu cự dài nhất (105mm), điều này khiến RF24-105mm F2.8 L IS USM Z trở thành ống kính lý tưởng để chụp chân dung và tạo hiệu ứng bokeh sống động. Ống kính này cũng cho hình ảnh chất lượng cao ngang với ống kính RF24-70mm F2.8 L IS USM, vì thế phù hợp cho giới chuyên nghiệp sử dụng. Ống kính này tương thích với Bộ điều khiển Power Zoom PZ-E2/E2B (bán riêng), cho phép người dùng quay clip video một cách chuyên nghiệp hơn. PZ-E2/E2B hỗ trợ thu phóng một cách dễ dàng với độ chính xác cao. RF24-105mm f/2.8 L IS USM Z là ống kính zoom lý tưởng có thể dùng trong gần như tất cả mọi hình thức sản xuất video.

    * Tức là ống kính AF rời dành cho máy ảnh không gương lật tương thích với cảm biến full-frame, theo dữ liệu vào ngày 1 tháng 11 năm 2023 (dựa trên kết quả khảo sát của Canon).